Núi Thành phát triển nghề cá bền vững
Đánh bắt gắn với hậu cần
Tàu cá hành nghề câu mực khơi của ngư dân Phạm Văn Dự (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, Núi Thành) vừa cập bờ bán 35 tấn mực khô. Chuyển biển này chủ tàu thu được hơn 1 tỷ đồng, mỗi bạn biển được chia hơn 30 triệu đồng.
“Nghề câu mực khơi rất vất vả nhưng đem lại giá trị kinh tế cao. Chúng tôi bám biển để khai thác hải sản, đồng thời góp phần giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc” – ông Dự nói.
Ông Phạm Văn Châu – Chủ tịch UBND xã Tam Giang cho biết, trên địa bàn hiện có 44 tàu cá hành nghề câu mực khơi đem lại thu nhập ổn định cho gần 2.000 lao động địa phương. Giá mực khô tăng mạnh trong những năm gần đây, có thời điểm đến 140 nghìn đồng/kg, tạo thêm động lực giúp ngư dân bám biển.
Cùng với câu mực khơi, ở huyện Núi Thành còn có 140 tàu cá hành nghề lưới vây, 40 tàu theo nghề lưới chụp, 50 tàu theo nghề lưới rê, 12 tàu làm nghề hậu cần…
Ông Lê Văn Hiệp – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết, đội tàu cá sản xuất xa bờ hùng hậu của huyện Núi Thành tập trung trong 3 nghiệp đoàn nghề cá (Tam Hải, Tam Quang, Tam Giang) và 32 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển. Trung bình mỗi năm ngư dân Núi Thành thu được khoảng 35 nghìn tấn hải sản, chiếm gần 1/2 sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh.
Điểm đặc biệt của nghề cá Núi Thành là ngư dân sản xuất theo mô hình tàu mẹ – tàu con. Theo đó, tàu con theo tàu mẹ ra khơi cùng đánh bắt hải sản rồi vận chuyển hải sản về bờ bán, mua nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, các vật dụng thiết yếu khác, tiếp tục ra khơi để phục vụ hậu cần.
Mô hình này giúp ngư dân giảm chi phí nhiên liệu, tăng năng lực khai thác hải sản, giảm hao hụt sản phẩm sau khai thác, tăng hiệu quả chuyến biển. Ngư dân Trần Hùng (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang) – chủ 2 tàu vỏ gỗ có giá trị hơn 10 tỷ đồng, đang thực hiện mô hình tàu mẹ – tàu con.
Ông Hùng cho biết: “Chuyến biển vừa qua, đội tàu thu được 40 tấn hải sản, chủ yếu là các nục suông và cá ngừ sọc dưa, bán được gần 1,5 tỷ đồng, lãi 1,3 tỷ đồng, chủ tàu thu được 600 triệu đồng, mỗi lao động được chia 40 triệu đồng. Tàu mẹ – tàu con kết hợp sản xuất rất đạt”.
Phát triển bền vững
Ông Ngô Đức An – Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, địa phương hướng nghề cá phát triển bền vững. Trước hết là tuân thủ các quy định của Luật Thủy sản, tránh khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không đúng quy định (IUU).
Mỗi năm, ngành nông nghiệp, các địa phương phối hợp, tập huấn tuyên truyền trong ngư dân về chủ quyền biển đảo, các quy định chống khai thác IUU, Luật Thủy sản 2017, Luật Biển Việt Nam, Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982, các quy định về khai thác hải sản của nước ta và một số nước trong khu vực để ngư dân nắm rõ, tránh vi phạm khi sản xuất.
“Vẫn còn một số tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên chưa lắp đặt xong thiết bị giám sát hành trình nên chúng tôi vận động ngư dân thực hiện xong vào cuối năm nay” – ông An nói.
Thuận lợi của nghề cá Núi Thành là cảng cá Tam Quang đã hoạt động, đang tiếp tục đầu tư, hoàn thiện để trở thành cảng cá loại 1, đáp ứng tốt nhu cầu hậu cần của nghề biển và gắn kết với các cơ sở dịch vụ hậu cần trên địa bàn, nhất là khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá An Hòa (2 xã Tam Quang và Tam Giang).
Từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp huyện Núi Thành cũng phối hợp với các cơ quan của tỉnh ra quân bảo vệ nguồn lợi hải sản. Theo đó, phối hợp với Chi cục Thủy sản Quảng Nam tổ chức 6 lớp tập huấn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi cho 365 lượt ngư dân tham gia.
Cùng với đó, phối hợp với lực lượng kiểm ngư, biên phòng tổ chức được 38 đợt tuần tra kiểm soát trên biển, bắt và xử lý 11 đối tượng, tịch thu 38 bình ắc quy, 25 bộ kích điện, 2 súng điện, xử phạt hành chính gần 186 triệu đồng…